Nấm Rơm Là Gì? Điều kiện sinh trưởng và cách bảo quản
Nấm rơm hay nấm mũ rơm là một loại nấm thơm ngon và bổ dưỡng, được nuôi trồng nhiều nhất ở các làng quê. Trong nấm rơm chứa nhiều vitamin, khoáng chất cùng các axit amin có lợi cho sức khỏe con người. Sử dụng một cách thường xuyên, nấm rơm được tin là có khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh bao gồm suy giảm sinh lý, thiếu máu,… Ở bài viết này, SanvuonAZ sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về loài nấm này nhé!
Nấm rơm là gì?
Nấm rơm có danh pháp là Volvariella volvacea, là một trong 100 loài nấm quý có tác dụng nấu ăn và chữa bệnh. Đây cũng là một trong những loài nấm được sử dụng nhiều nhất trong họ nhà nấm có tại Việt Nam.
Tên gọi nấm rơm
Tên gọi nấm rơm bắt nguồn từ chính nguồn gốc hình thành nó. Được biết, nấm rơm mọc trên rơm rạ, rất dễ sống và có thể sinh trưởng quanh năm. Ngoài nấm rơm tự nhiên thì ngày nay, mô hình nhân giống nuôi trồng nấm rơm cũng được biết đến và áp dụng phổ biến. Hiện nay, đa phần các sản phẩm nấm rơm trên thị trường đều là nấm nuôi trồng. Chúng có thể được bán dưới dạng tươi hoặc dạng khô.
Cấu tạo của nấm rơm
Nấm rơm có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên bề ngoài chúng không có quá nhiều khác biệt ngoài màu sắc và kích thước. Nhìn chung, cấu tạo nấm rơm có thể chia thành 3 phần: bao gốc, cuống nấm và mũ nấm.
-
Phần bao gốc: Là một lớp màng bao trọn phần thân và tai nấm khi nấm còn non. Khi nấm lớn, bao nấm nhả dần tai nấm và chỉ còn bao trùm phần chân khi nấm trưởng thành. Trong bao nấm chứa hệ sắc tố melanin tạo thành màu xám đen ở phần gốc nấm. Thông thường, cây nấm càng hướng sáng thì bao nấm sẽ càng đen và ngược lại.
-
Phần cuống nấm: Là phần nối liền giữa phần gốc và mũ nấm. Cuống nấm có độ dài vào khoảng từ 3cm đến 15cm, chúng hơi phình về phần gốc, bề mặt nhẵn và có màu trắng. Khi còn non, cuống nấm khá mềm và giòn. Càng về già cuống nấm sẽ càng giai và cứng hơn.
Phần mũ nấm: Là phần đỉnh hay còn được ví như chiếc ô nhỏ bảo vệ cho thân nấm, đường kính từ 5cm- 15cm. Mũ nấm thường có hình trứng ở đầu chu kỳ sống và dần chuyển thành dạng núm hay hình bán cầu dẹt ở cuối chu kỳ. Cũng như bao gốc, mũ nấm chứa thành phần melanin nên thường có màu xám đen. Màu mũ nấm sẽ đậm nhất ở trung tâm và nhạt dần ra mép. Trên bề mặt mũ nấm có một lớp lông mịn.
Điều kiện sinh trưởng của nấm rơm
Nấm rơm trong tự nhiên có thể mọc đơn độc hoặc mọc thành cụm trên rơm, rạ. Nấm rơm sinh trưởng tốt hơn vào mùa hè, khi điều kiện môi trường nóng ẩm. Sau những cơn mưa, chúng mọc lên hàng loạt trên các lớp rơm, rạ còn ẩm ướt. Với kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, ngoài rơm thì người ta còn dùng nhiều vật liệu khác để nhân giống chúng như bã mía, thân hoặc lá chuối, bông gòn, lục bình. Tuy nhiên sử dụng rơm để nuôi trồng nấm vẫn đem lại năng suất cao hơn cả.
Nhiệt độ nuôi trồng nấm rơm thích hợp nhất sẽ vào khoảng 30-32oC, độ ẩm không khí vào khoảng 80%. Tuy nhiên, vào những thời điểm lạnh hơn, người ta vẫn có thể trồng nấm rơm miễn là che chắn cẩn thận. Nấm rơm được đánh giá là rất dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh (chỉ khoảng 10-15 ngày), bên cạnh đó, loài nấm này còn được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mang lại.
Công dụng của nấm rơm
Trong nấm rơm chứa rất nhiều các vitamin (A, B1, B2, E, D, C), protein, khoáng chất và đặc biệt hơn là 7 loại axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp. Loại nấm này cũng đã được kiểm chứng về độ lành tính, hoàn toàn đảm bảo an toàn cho cơ thể người dùng. Công dụng của nấm rơm là rất lớn, đây không chỉ là nguồn thực phẩm tươi ngon mà còn là thành phần không thể thiếu trong nhiều bài thuốc quý.
Công dụng của nấm rơm trong hỗ trợ điều trị bệnh
Qua nhiều nghiên cứu kiểm chứng, nấm rơm đã được giới y khoa công nhận là một dược phẩm rất có ích cho sức khỏe con người. Những tác dụng của nấm rơm trong hỗ trợ điều trị bệnh có thể kể đến là:
-
Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, giúp giảm sự lây lan và phát triển của tế bào ung thư, đồng thời làm tăng hiệu quả của các đợt xạ trị.
-
Tăng cường sinh lý nam giới, giúp hoạt tinh, ích khí huyết, bồi bổ gan thận.
-
Giúp bồi bổ cơ thể, tốt cho người thiếu máu.
-
Giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường, kết hợp cùng tập luyện thể dục thể thao còn mang lại hiệu quả cao cho người giảm cân.
-
Giúp làm lành các tổn thương, vết loét trong đường tiêu hóa, kích thích hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả, phòng ngừa táo bón.
-
Giảm cholesterol trong máu, bảo vệ tim mạch.
-
Giúp thanh nhiệt cơ thể.
-
Thải độc gan, hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
Công dụng của nấm rơm trong chế biến món ăn
Ngoài công dụng trong điều trị bệnh, nấm rơm còn là đặc sản trứ danh của người miền Tây. Nấm rơm có độ giòn, dai, vị ngọt nhẹ và hương thơm đặc trưng. Từ nấm rơm, bạn có thể chế biến nấm rơm thành rất nhiều món ăn từ canh, súp, món xào hay kho đều vô cùng ngon miệng và đưa cơm. Bổ sung các món từ nấm rơm trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp cơ thể bổ sung dưỡng chất một cách hiệu quả, đồng thời đẩy lùi nguy cơ gây bệnh.
>> Tham Khảo : Cách trồng nấm rơm bằng mùn cưa an toàn #1 cho bạn
Cách lựa chọn và bảo quản nấm rơm
Hiện nay, nấm rơm được bán trên thị trường với 2 dạng chính là dạng tươi và dạng đã sấy khô. Cả 2 đều có những điểm cộng riêng tuy nhiên dù chọn mua loại nào bạn cũng nên tuân thủ một số quy tắc nhất định khi sơ chế và bảo quản để nấm giữ trọn vị ngon và không bị mất chất.
Cách lựa chọn nấm rơm
Khi chọn mua nấm rơm, bạn nên chọn những loại có màu tươi và hương thơm nhẹ. Với nấm tươi, loại mới thu hoạch sẽ có một lớp màng mỏng trên chóp, nấm có độ mềm và dai nhưng không hề bở. Không nên mua những loại nấm đã bị dập nát hoặc có mùi. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm mua nấm rơm ở những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cách bảo quản nấm rơm
Khi bảo quản nấm rơm bạn cần chú ý những điều sau:
Với nấm tươi
Nấm tươi được khuyên chỉ nên sử dụng trong 12 giờ kể từ lúc thu hoạch. Tuy nhiên, nếu muốn giữ được lâu hơn, bạn có thể nhặt sạch gốc, lấy khăn lau nhẹ bề mặt để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, bạn cần chần qua với nước sôi trong khoảng 1-2 phút và vớt ra rửa lại bằng nước lạnh. Cho nấm vào bát tô hoặc chậu, đổ ngập nước và đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Bằng cách này, nấm tươi có thẻ giữ được hương vị trong 3-4 ngày.
Với nấm khô
Với nấm khô bạn nên để ở nơi thoáng mát, không cho vào túi hay buộc kín. Ngoài ra có thể phơi nấm dưới nắng nếu muốn giữ được lâu hơn.
Sai lầm khi sử dụng nấm rơm
Dưới đây là 5 sai phổ biến nhất khi chế biến và sử dụng nấm rơm:
Chế biến nấm ở nhiệt độ thấp
Trong nấm rơm chứa tới 90% thành phần là nước, bởi vậy khi chế biến ở nhiệt độ thấp nấm rất dễ bị chảy ra nhiều nước, khiến nấm bị nhũn và mất vị. Ngược lại, nấm rơm được nấu dưới nhiệt độ cao sẽ khiến nấm giữ được độ giòn và ngon hơn.
Chế biến trong nồi nhôm
Không chỉ riêng nấm rơm mà hầu hết các loại nấm ăn được khác khi sử dụng nồi nhôm để chế biến sẽ gây ra phản ứng hóa học khiến nấm bị chuyển đen đồng thời gây hại đến sức khỏe người. Tốt hơn hết là bạn nên thay thế bằng nồi thủy tinh, nồi đất hoặc nồi inox để chế biến nấm nhé.
Cho quá nhiều dầu
Nấm rơm có đặc tính hút dầu rất mạnh. Việc cho quá nhiều dầu khi nấu nấm sẽ khiến độ dinh dưỡng cũng như hương vị món ăn bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra các chất béo từ dầu mỡ khi vào cơ thể sẽ gây cản trở tiêu hóa, khiến người dùng có thể bị đầy, tức bụng.
Thái sợi hoặc cắt nấm thành nhiều miếng nhỏ
Thái sợi hay cắt nấm rơm thành nhiều miếng nhỏ đều sẽ khiến nấm rất dễ bị quắt hoặc nát khi chế biến. Để phòng trường hợp này, bạn chỉ nên cắt đôi hoặc để nguyên nấm khi chế biến.
Bỏ phần nước ngâm nấm khô
Khi chế biến nấm khô, một bước không thể thiếu là ngâm nở trước khi dùng. Ai cũng nghĩ phần nước sôi ngâm nấm khô sẽ chứa nhiều chất bẩn tiết ra từ nấm vì vậy nên bỏ chúng đi. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngâm nấm mới là phần chứa nhiều dưỡng chất nhất. Vì khi ngâm nấm khô qua nước nóng, các vitamin, dưỡng chất có trong nấm phần lớn đã tiết ra nước. Nếu như bạn chỉ ăn nấm và đổ phần nước đi thì cũng giống như chỉ ăn xác nấm mà thôi. Vì vậy sau khi ngâm, tốt hơn hết bạn không nên bỏ phần nước nấm mà thay vào đó nên để nước lắng xuống và loại bỏ phần cặn. Nước ngâm nấm dùng nấu canh hay hầm đều rất ngon.
Nấm rơm là bài thuốc quý đồng thời cũng là nguồn thực phẩm dồi dào dưỡng chất cần có trong mọi gia đình. Những giá trị to lớn về mặt sức khỏe của nấm rơm chắc chắn sẽ còn có giá trị trong cả hôm nay và mai sau. Đừng quên truy cập website của SanvuonAZ để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về nhưng loại nấm nhé !