Những năm gần đây, nông dân thị xã Gò Công đã tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm rơm tăng thu nhập. Việc tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để trồng nấm rơm ngày càng được quan tâm thay vì đốt rơm sau thu hoạch làm sản sinh ra khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường.
Sử dụng lưới che lan thay cho lớp áo rơm trong mô hình trồng nấm rơm tại hộ anh Phạm Văn Hoàng,
ấp Xóm Vinh, xã Long Thuận.
|
Phong trào trồng nấm rơm ngày càng phát triển do ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa từ khâu làm đất, thu hoạch đến khâu gom rơm thành cuộn. Vì vậy, nông dân trồng nấm rơm thuận lợi hơn nhờ vào thiết bị máy cuốn rơm giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với gom rơm thủ công. Trong canh tác nấm rơm truyền thống, nông dân thường sử dụng thêm một lớp rơm khô mỏng đậy bên ngoài giúp giữ ẩm và hạn chế ánh nắng mặt trời, tuy nhiên việc phủ lớp rơm áo này chưa đem lại hiệu quả cao do tơ nấm thường hình thành quả thể trên lớp rơm áo này làm giảm năng suất và không hiệu quả trong ngăn chặn ánh sáng mặt trời, kết quả nấm thường bung dù sớm và giá thành thấp.
Nhằm khắc phục nhược điểm của lớp rơm áo này, giúp quả thể nấm rơm hình thành ngay trên mặt mô nấm được che chắn ánh sáng tốt, giúp kiểm soát được màu sắc nấm rơm, từ đó nâng cao chất lượng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công phối hợp với Hội Nông dân thị xã Gò Công và Xã Đoàn Long Thuận xây dựng mô hình trồng nấm rơm áp dụng sáng kiến “Cải tiến kỹ thuật trồng nhằm gia tăng năng suất, chất lượng nấm rơm” với quy mô 200m2 từ tháng 6 đến tháng 7/2021 tại ấp Xóm Vinh, xã Long Thuận giúp gia tăng năng suất nấm rơm lên từ 05 – 10%, rút ngắn thời gian thu hoạch từ 02 – 04 ngày so với trồng theo kỹ thuật truyền thống, giảm tác hại do mưa, gió gây ra.
Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% nguyên vật liệu thiết yếu, gồm: Meo giống, rơm rạ khô, vôi bột, thuốc sát trùng, chất dinh dưỡng và dụng cụ đo pH…, được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm 03 lần (kỹ thuật ủ rơm rạ, kỹ thuật cấy meo, chăm sóc, kỹ thuật thu hái và bảo quản nấm rơm), sản phẩm nấm rơm được thị trường tiêu thụ mạnh nên đầu ra ổn định cho nông dân: Sau 01 tháng thực hiện mô hình đã cho thu hoạch được 536kg nấm thương phẩm với giá bán 75.000 – 80.000 đồng/kg, tổng thu nhập được 40,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận thu được trên 28 triệu đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Anh Phạm Văn Hoàng, ấp Xóm Vinh, xã Long Thuận tham gia mô hình cho biết: “Trồng nấm rơm quan trọng nhất là giai đoạn ủ rơm và nhiệt độ thời tiết ảnh hưởng rất lớn, sao cho rơm ủ thật chín, trồng nấm rơm trong vụ Hè thu thuận lợi hơn do thời tiết nóng và mưa nhiều nên thu hoạch được nhiều nấm”.
Ông Bùi Công Minh, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công chia sẻ: “Sáng kiến kỹ thuật đã tìm ra vật liệu mới (lưới che lan) thay thế lớp rơm áo trong quy trình canh tác, giúp gia tăng năng suất, cải thiện màu sắc cũng như chất lượng nấm rơm. Mô hình này giúp tận dụng tốt nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, qua đó giúp nông dân tiếp cận thêm một kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất”.