Từ một doanh nghiệp nhỏ bé, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao đã vươn lên thành nhà sản xuất đầu tiên và duy nhất của Việt Nam ứng dụng công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nấm kim châm hiện đại theo mô hình Nhật Bản.
Hiện sản phẩm nấm hữu cơ an toàn, chất lượng của công ty đã dần thay thế nấm nhập khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Mạnh dạn đầu tư công nghệ cao
Nhà máy nuôi trồng nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao tại thôn Đốc Kính (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) có vốn đầu tư 3 triệu USD, với tổng diện tích 3ha. Đây là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Hà Nội được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Giám đốc Công ty Dương Thị Thu Huệ cho biết, bà bắt tay vào khởi nghiệp trồng nấm từ năm 2002. Năm 2005, bà lập nhà xưởng đầu tiên ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) nhưng sau trận lụt kỷ lục năm 2008, bà chuyển cơ sở sản xuất nấm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức).
Thoạt đầu, công ty chuyên trồng các loại nấm có ở Việt Nam như nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm và nấm mỡ, sản xuất theo hướng mùa nào thức đó. Quá trình sản xuất đem lại lợi nhuận thấp, rủi ro rất cao.
Nhận thấy cần phải cố gắng, tích lũy và thay đổi công nghệ để có một lượng nấm ổn định cung cấp cho nhà phân phối, năm 2015, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao đã liên kết, hợp tác với Tập đoàn Kiz Forest (Nhật Bản). Với quyết tâm tạo cú nhảy vọt sản xuất nấm công nghệ Nhật Bản, công ty đã nhập khẩu hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất nấm kim châm của Công ty Hokuto Sangyo (Nhật Bản). Giá trị tổng vốn đầu tư là hơn 45 tỷ đồng.
Nhà máy chính thức vận hành từ tháng 4-2017 với công suất nấm 1,5 tấn/ngày. Hiện nay, công suất tăng gấp đôi, 3 tấn/ngày (tương đương 80-100 tấn/tháng) phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Đến thăm nhà máy mới thấy được nghị lực phi thường của bà Dương Thị Thu Huệ. Cả nhà máy chỉ có 15 lao động trực tiếp tham gia sản xuất. Toàn bộ dây chuyền đều tự động. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Trung – Quản lý nhà máy, hành trình ứng dụng, nhập khẩu công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam không hề dễ dàng. Để làm chủ hoàn toàn công nghệ của Nhật Bản, KINOKO Thanh Cao phải mất đến 2 năm.
Hiện nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao có đội ngũ kỹ sư công nghệ sinh học, nông học môi trường được đào tạo bài bản. Định kỳ hằng năm, công ty sẽ cử 3-5 cán bộ kỹ thuật sang Tập đoàn Kiz Forest (Nhật Bản) tập huấn, nâng cao kiến thức nghiệp vụ. Hiện công ty cũng liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền nông nghiệp) trong việc đào tạo cán bộ kỹ thuật, liên kết phối hợp thực hiện nghiên cứu các dự án liên quan đến nấm.
Năm 2017, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao đã được Bộ NN&PTNT chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đến năm 2022, công ty tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Hướng đi mới cho ngành trồng nấm
Ông Phạm Văn Trung cho biết, quy trình công nghệ nuôi trồng nấm kim châm theo mô hình Nhật Bản khác biệt với sản xuất nấm thủ công tại Việt Nam ở 3 điểm. Thứ nhất, máy móc thiết bị hoàn toàn kín trong nhà lạnh được quản lý về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và chặt chẽ về kỹ thuật. Thứ hai là về nguyên liệu. Ở Việt Nam sản xuất bằng mùn cưa và một chút cám (khoảng 15-20%) đóng trong túi ni lông và trồng bằng phương pháp thủ công nên số lượng không nhiều, dễ bị nhiễm mốc. Sản xuất theo công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản, giống nấm có xuất xứ rõ ràng. Các nguyên liệu đầu vào như cám gạo, cám mạch, lõi ngô… được phối trộn, thanh trùng rồi cấy giống bằng máy móc bảo đảm độ đồng đều và sự chính xác cao. Nguyên liệu chỉ có 35% chất thô, 65% còn lại là các loại cám dinh dưỡng nên nấm ăn có sự khác biệt. Thứ ba, nấm được sản xuất trong điều kiện kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm, PH… rất kỹ bằng máy móc của Nhật Bản.
Sản phẩm nấm kim châm KINOKO Thanh Cao đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, HACCP, có gắn mã QR truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thành công của KINOKO Thanh Cao đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trồng nấm công nghệ cao của Hà Nội. Thời gian tới, Giám đốc Công ty Dương Thị Thu Huệ mong muốn Nhà nước đưa nhiệm vụ phát triển nghề nấm vào chương trình kế hoạch riêng, tập trung phát triển cho khu vực nông thôn nhằm tận dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành nên ưu tiên, hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu hoặc tìm kiếm công nghệ tiên tiến của nước ngoài về sản xuất, bảo quản, chế biến các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phải tìm giải pháp hạn chế tối đa việc nhập khẩu nấm lậu đang bày bán rộng rãi, công khai trên thị trường để các doanh nghiệp sản xuất nấm tại Việt Nam yên tâm sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ cho người tiêu dùng Việt.