Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối

Tận dụng nguồn phụ phẩm bỏ đi sau khi thu hoạch buồng chuối, nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) gồm: Nguyễn Thị Mỵ (nhóm trưởng), Hoàng Lê Việt, Lê Sỹ Kin, Nguyễn Trọng Anh Khoa và Liu Khải Hòa đã nghiên cứu thành công mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối.

Chị Nguyễn Thị Mỵ và các thành viên trong nhóm đang trao đổi, thảo luận về mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối. Ảnh: A.Nhơn
Chị Nguyễn Thị Mỵ và các thành viên trong nhóm đang trao đổi, thảo luận về mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối. Ảnh: A.Nhơn

Mô hình mới của nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỵ vừa đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2023.

* Theo đuổi đam mê

Một ngày giữa tháng 9-2023, chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc và được nhóm của chị Mỵ dẫn đi tham quan phòng nghiên cứu, phòng giữ giống và trại nuôi trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Trung tâm đã đầu tư đầy đủ các phòng làm việc, dụng cụ, máy móc, trang thiết bị nên nhóm của chị Mỵ có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu ra các mô hình trồng nấm mới hiện nay.

Khi đề cập đến việc nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối, chị Mỵ cho biết, xuất phát từ đam mê với nấm, chị quyết định về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc hơn 10 năm nay. Chị được cơ quan cử đi học tập các lớp đào tạo chuyên về nấm ở trong và ngoài nước, đã học tập được nhiều kiến thức bổ ích từ các chuyên gia đầu ngành. Yêu cầu của công việc đã thôi thúc chị luôn suy nghĩ, nghiên cứu ra những mô hình nấm trồng mới nhằm giúp ích cho bà con nông dân.

Mục đích của nghiên cứu mô hình trồng nấm mới nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương trên thân, lá chuối để nhân giống sản xuất và nuôi trồng nấm rơm; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhân giống và nuôi trồng nấm rơm; đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường do sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và góp phần an sinh xã hội…

Qua thực tiễn cho thấy, hiện diện tích chuối của Đồng Nai chiếm 71% diện tích chuối của vùng Đông Nam bộ và diện tích trồng chuối đang có xu hướng tăng do hướng tới xuất khẩu chuối sang nước ngoài. Sau khi thu hoạch chuối thì thân, lá chuối bị bỏ phí trên đồng ruộng. Trong thân, lá chuối có hàm lượng chất xơ khá cao, tương tự như rơm lúa nên có thể sử dụng để trồng nấm. Vì vậy, tận dụng thân, lá chuối ứng dụng vào làm cơ chất nền để nhân giống và nuôi trồng nấm rơm mang tính thiết thực, vừa tạo ra được giống nấm rơm chất lượng, vừa giúp người trồng nấm giảm được chi phí đầu vào, có thể tăng thêm thu nhập.

“Một lần lướt mạng xã hội, tôi đã thấy mô hình Nuôi trồng nấm rơm trên lá chuối nhưng chưa có ai nghiên cứu ra việc nhân giống cả. Từ đó, tôi và những người bạn có chung đam mê về nấm cùng nhau bàn bạc, thảo luận và quyết định nghiên cứu mô hình trồng nấm mới tại Đồng Nai. Nhóm đã đặt tên mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối và chính thức triển khai thực hiện vào tháng 6-2023” – chị Mỵ kể lại.

Theo chị Mỵ, khi bắt tay vào làm, nhóm của chị gặp thuận lợi là được lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ sở nuôi trồng nấm cho nhóm thực hiện nghiên cứu. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm đều có niềm đam mê về nấm và có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về nhân giống, nuôi trồng nấm rơm.

Tuy nhiên, việc nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối là một mô hình mới mẻ nên nhóm của chị Mỵ đã gặp không ít khó khăn, thử thách trong thời gian đầu. Chẳng hạn, trong phần nhân giống, nhóm sử dụng nguyên liệu thân, lá chuối phơi khô chưa đạt tiêu chuẩn nên khi làm giống đã dẫn đến tình trạng nhiễm nước khiến nguyên liệu bị nhũn hư, không đạt. Còn phần nuôi trồng nấm rơm, nhóm đã đem lá chuối ngâm với nước vôi trong thời gian ngắn nên độ hoai của lá chuối chưa đạt, khiến việc trồng nấm rơm không mang lại hiệu quả cao…

“Nhóm đã không nản và bỏ cuộc trước những thất bại. Ngược lại, chính nhờ những khó khăn, thử thách trên đã giúp các thành viên trong nhóm nỗ lực hơn và đúc kết được nhiều kinh nghiệm để thực hiện thành công mô hình sau này” – chị Mỵ tâm sự.

Tạo mô hình mới thiết thực

Theo kinh nghiệm của chị Mỵ, việc nhân giống nấm rơm trên thân, lá chuối được thực hiện trình tự theo 6 bước. Trong đó, chuẩn bị thân, lá chuối đã khô, cắt khúc khoảng 5-7cm; ngâm nguyên liệu với nước vôi trong khoảng 2 giờ; làm ráo nguyên liệu, phối trộn cám bắp, cám gạo theo tỷ lệ phù hợp; đóng bịch, cổ và nút bông không thấm, phủ thêm giấy bạc; hấp khử trùng bịch nguyên liệu trong nồi hấp, cài đặt thông số nồi hấp; tiến hành cho vô tủ cấy khử trùng, làm nguội và tiến hành cấy giống vào bịch nguyên liệu đã vô trùng.

Sản phẩm tạo ra từ mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối
Sản phẩm tạo ra từ mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối

Còn đối với việc nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối, người trồng phải thực hiện trình tự các bước như: thu gom nguyên liệu thân, lá chuối; xử lý nguyên liệu bằng cách cho lá chuối ngâm nước vôi từ 2-3 ngày, tiến hành vớt ra để ráo nước đạt ẩm độ dưới 70%. Còn thân chuối có thể bằm tươi trồng ngay hoặc làm khô tái tự nhiên đạt ẩm độ dưới 70%. “Lưu ý là không cần phải ngâm thân chuối tươi hoặc ngâm sơ vào nước vôi, vì trong thân chuối có chứa nước và các chất thích hợp cho hệ sợi nấm rơm sinh trưởng. Nếu thân chuối khô thì tiến hành ngâm nước vôi để tăng độ ẩm cho thân chuối” – chị Mỵ chia sẻ.

Chị NGUYỄN THỊ MỴ chia sẻ, việc nhóm của chị tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai nhằm lan tỏa mô hình mới đến rộng rãi bà con nông dân. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã tạo điều kiện mở các lớp nhân giống, nuôi trồng các loại nấm (trong đó có mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối) để người nông dân có nhu cầu đến học hỏi với chi phí rất thấp để bà con có thể tiếp cận những kỹ thuật mới.

Khâu cuối cùng là thân, lá chuối tiến hành lên mô và rải giống nấm, bổ sung thêm dinh dưỡng cám gạo trộn đều với giống nấm, phủ áo mô rơm để đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ của mô nấm. Nhiệt độ của mô nấm trong thời gian khoảng 1 tuần đầu dao động từ 35-360C là đảm bảo cho hệ sợi nấm sinh trưởng. “Từ 7-8 ngày sau cấy giống, người trồng phải tiến hành đảo áo mô và dỡ bớt áo mô để giảm nhiệt độ mô nấm từ 30-320C, tưới nước phun sương lên mô vừa đủ ẩm để đón quả thể nấm rơm (nấm sinh trưởng). Sau khoảng 10-12 ngày, cấy giống nấm đinh ghim xuất hiện, quả thể nấm xuất hiện và có hình trứng là tiến hành thu hoạch” – chị Mỵ cho hay.

Cũng theo chị Mỵ, đến nay mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực. Việc sản xuất giống nấm rơm bằng thân, lá chuối cho thời gian bắt tơ và hoàn thành tơ nhanh hơn so với giống thị trường 2-3 ngày và cho năng suất nấm rơm tương đương hoặc cao hơn so với giống nấm rơm trên thị trường. Ví dụ, xét về hiệu quả nhân giống nấm, 1 bịch giống nấm thân, lá chuối ngang giá với bịch giống nấm trên thị trường (khoảng 4 ngàn đồng/ bịch) và 1 cây chuối có thể làm được 25-30 bịch giống nấm thì thu về khoảng 120-150 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, mô hình đã tận dụng thân, lá chuối trong nuôi trồng nấm rơm, giúp giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho người trồng nấm, giúp tạo ra chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, việc thu gom thân, lá chuối sau khi thu hoạch giúp tận dụng được phế phụ phẩm trên đồng ruộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài nhân giống nấm rơm trên thân, lá chuối, hiện nhóm của chị Mỵ còn nghiên cứu ra nhiều loại nấm khác (nấm ăn và nấm dược liệu) dựa trên những giá thể, nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương và sẽ cho ra nhiều mô hình mới trong thời gian tới để góp phần cho sản phẩm nấm Việt Nam tiếp tục phát triển, đa dạng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *