Trồng nấm rơm và tre điền trúc: Hiệu quả từ mô hình kết hợp

Anh Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1977) ở khu phố 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc từ khi lập gia đình, khởi nghiệp đã trải qua nhiều nghề từ sản xuất đến kinh doanh dịch vụ… mà cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau.

Nhưng hai năm gần đây, (từ năm 2021 đến năm 2022), gia đình anh chuyển sang chuyên canh nghề trồng nấm rơm và trồng 6 sào tre điền trúc, bước đầu cho thu nhập khá với trên dưới 500 triệu đồng/năm. Trong đó, nghề trồng nấm rơm trong nhà đang cho thu nhập khá với 360 triệu đồng/năm.

trongnamrongtrongnha-2-.png

Hàng năm, huyện Hàm Thuận Bắc có diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 27.000 ha. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa cho ra khối lượng rơm khá lớn; là nguyên liệu dồi dào để phục vụ nghề trồng nấm rơm; nên từ lâu nghề này được nhiều nông dân biết đến. Nhưng để phát huy hiệu quả kinh tế từ nghề trồng nấm rơm thì không mấy nông dân thực hiện. Nhận thấy yếu tố này, sau thời gian dày công tìm hiểu, nghiên cứu, học tập quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm qua các phương tiện truyền thông, anh Tám liền áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại gia đình. Theo anh nghề trồng nấm rơm không khó, yếu tố quan trọng là khâu chuẩn bị nguyên liệu ban đầu; rơm được ủ chín với thời gian khoảng 15 ngày thì cấy meo; ủ thêm từ 8 – 12 ngày thì bắt đầu có nấm để thu hoạch.

Anh Tám chia sẻ: Thời gian đầu trồng nấm rơm ngoài trời theo phương pháp truyền thống cũng đạt hiệu quả nhưng năng suất nấm thường không ổn định bởi yếu tố khách quan phụ thuộc vào thời tiết nắng, mưa. Qua học hỏi thêm kinh nghiệm nghề trồng nấm rơm ở nhiều nơi biết được phương thức trồng nấm rơm trong nhà cho năng suất vượt trội, không phụ thuộc vào thời tiết và khắc phục những hạn chế của nghề trồng nấm rơm ngoài trời. Từ đó, anh Tám đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà làm nấm với diện tích 150m2; sức chứa 30 cuộn rơm, tương ứng 360kg rơm khô. Rơm sau khi ủ, lấy ra ép và chất vào khuôn tròn, dạng hình trụ; rơm chất theo từng lớp; cứ mỗi lớp rơm cao 20cm thì rải 1 lớp meo giống, cứ vậy thực hiện liên tục đến khi trụ nấm cao 1,2m. Sau 3 đến 4 ngày đầu ủ thì kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ mô nấm và sự phát triển hệ sợi tơ. Sau 8 đến 10 ngày tơ nấm phát triển nhiều và xuất hiện đinh ghim; từ thời gian này bắt đầu thắp đèn liên tục để kích thích nấm; thời gian thắp đèn từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Như vậy, chỉ sau 12 đến 15 ngày kể từ khi ủ là có thể thu hoạch nấm: đợt 1 thu hoạch kéo dài từ 8 đến 9 ngày, sau đó ngưng 1 – 2 ngày chăm sóc. Đợt thu hoạch thứ 2 kéo dài từ 3 đến 4 ngày thì kết thúc vụ. Qua so sánh, phương pháp trồng nấm rơm trong nhà đạt sản lượng nấm tăng gấp bội so với phương pháp trồng nấm ngoài trời.

Hàng ngày, 30 ụ rơm trồng nấm trong nhà, anh Tám thu hoạch từ 10 – 15kg nấm. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định; với giá bình quân 70.000 đồng/kg nấm, anh Tám thu từ 700.000 – 1.050.000 đồng/kg. Với hình thức trồng nấm gối vụ, nên hàng ngày gia đình anh Tám luôn có nấm để bán. Bình quân mỗi tháng gia đình có thu trên dưới 30 triệu đồng, vị tính tổng thu 360 triệu đồng/năm. Song song với nguồn thu từ nấm rơm, hai năm gần đây gia đình anh Tám có thêm nguồn thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ vườn tre điền trúc 400 bụi cho thu hoạch măng.

Hiện mô hình kết hợp 2 loại cây trồng này đang được nông dân thị trấn Ma Lâm nói riêng và nông dân huyện Hàm Thuận Bắc nói chung quan tâm học tập, làm theo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *