Tăng thu nhập từ trồng nấm rơm

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An hướng dẫn nông dân trồng nấm rơm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương và tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Mô hình Trồng nấm rơm mang lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh

 

Những năm gần đây, nông dân xã Kiến Bình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bằng việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận và giải phóng sức lao động. Điều này đồng nghĩa lao động nhàn rỗi ở địa phương tăng, nhất là sau khi kết thúc mùa vụ. Trước thực trạng này, Hội Nông dân xã Kiến Bình mở lớp dạy nghề Kỹ thuật trồng nấm rơm với sự tham gia của 30 nông dân.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh – Nguyễn Quốc Thuận cho biết: “Thấy nhiều người ở các địa phương khác đến thuê đất, mua rơm trồng nấm, có thu nhập cao nên Hội mở lớp dạy nghề Kỹ thuật trồng nấm rơm cho người dân trong xã. Theo đó, Hội mượn đất trống của 1 hội viên và xin rơm của người dân xung quanh để học viên thực hành trực tiếp. Với cách dạy này, học viên rất hứng thú. Sau đó, mô hình trồng nấm rơm đạt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người”.

 

Theo nông dân, trồng nấm rơm có vốn đầu tư thấp, chủ yếu tốn công chăm sóc nhưng giá trị sản phẩm cao. Nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm được tận dụng từ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Rơm sau khi đem về sẽ ủ với vôi từ 10-15 ngày, tiếp theo, nông dân chất vồng (luống), vô meo,… Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng muốn đạt sản lượng, chất lượng, người trồng phải có kinh nghiệm và nắm vững đặc điểm sinh trưởng, phát triển của nấm để có thể điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm cho thích hợp.

 

Bà Trần Thị Lan (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) nói: “Theo tôi, trồng nấm rơm vất vả nhất là công đoạn chất vồng vì đòi hỏi người làm phải có sức khỏe cùng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Ngoài ra, người trồng còn phải canh nhiệt độ sao cho thích hợp, không được nóng hoặc ẩm quá sẽ làm nấm không phát triển dẫn đến không đạt chất lượng, sản lượng. Hiện gia đình tôi trồng gần 1.000m2 nấm rơm, tương đương 1.000 chai meo. Nếu thời tiết thuận lợi, 1.000 chai meo sẽ cho thu hoạch 2 tấn nấm rơm, còn thời tiết không thuận lợi thì trên 1 tấn nấm rơm. Với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình có thu nhập trên 30 triệu đồng/đợt thu hoạch (khoảng 2 tháng)”.

 

Từ lâu, ông Nguyễn Văn Thuận (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) cũng có ý định tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch để trồng nấm rơm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Song, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên ông chưa dám đầu tư. Khi được địa phương thông báo mở lớp dạy nghề Kỹ thuật trồng nấm rơm, ông đăng ký tham gia. Hiện diện tích nấm rơm của ông bước vào giai đoạn thu hoạch đợt đầu.

 

Ông Thuận chia sẻ: “Nhờ tham gia lớp Kỹ thuật trồng nấm rơm, tôi được trang bị đầy đủ kiến thức qua từng giai đoạn phát triển của nấm. Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, tôi thường bỏ một lượng lớn rơm rạ ngoài đồng. Nay thực hiện mô hình Trồng nấm rơm, tôi tận dụng nguồn rơm dư thừa, cải tạo các mô đất trống trồng nấm rơm để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, những mô nấm rơm sau khi trồng có thể tận dụng làm phân bón để trồng hoa màu hoặc bán lại cho các nhà vườn trồng rau màu”.

 

Hiệu quả từ mô hình Trồng nấm rơm ở xã Kiến Bình đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là giúp địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững./.

Nguồn: https://baolongan.vn/tang-thu-nhap-tu-trong-nam-rom-a164084.html

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *