Vợ chồng miền Tây thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm từ nấm rơm
ĐỒNG THÁPNhiều lần khởi nghiệp thất bại, vợ chồng anh Lâm Thái Dương không nản, chuyển sang trồng nấm rơm trong nhà cho lợi nhuận 400-500 triệu đồng mỗi năm.
Anh Dương (35 tuổi) cùng vợ là chị Lê Hồ Thùy Linh đều tốt nghiệp đại học ở TP HCM. Đầu năm 2013, họ góp vốn 30 triệu đồng từ tiền làm thêm cùng nhóm bạn bắt tay trồng rau sạch.
Nông Trại Xanh – tên mô hình lúc đó với định hướng trồng rau trên giá thể cùng dịch vụ chăm sóc rau tại nhà cho những gia đình ở TP HCM. Trồng rau hữu cơ, bắt sâu bằng tay, cả nhóm kỳ vọng mô hình nhanh chóng thu hồi vốn, có lãi. Tuy nhiên nhiệt huyết tuổi trẻ sớm bị thực tế “tát cho tỉnh” khi thu không đủ chi.
Một năm sau, nhóm khởi nghiệp “rã gánh”. Vợ chồng Dương chuyển sang làm thuê, mua bán hoa tươi. Khi dư ít vốn, hai người tiếp tục trồng rau, song một lần nữa thất bại. Thấy công việc ở thành phố khó khăn, vợ chồng khăn gói về quê ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Về quê đúng mùa thu hoạch lúa, cả hai thử trồng nấm rơm bằng kiến thức đã học. Được gia đình cấp vốn khởi nghiệp là 25 cuộn rơm, Dương chọn 11 cuộn ủ trước, chất lên kệ tre chừng 3 m2. Đúng nửa tháng sau, trên lý thuyết nấm rơm sẽ mọc nhưng kiểm tra thấy rơm khô cứng, không một cây nấm.
Chán nản, Dương tháo kệ, chặt làm củi cho vợ nấu cơm, còn ụ rơm vứt lăn lóc trong góc vườn. Tuy nhiên 10 ngày sau, những ụ rơm này mọc nấm tua tủa, hái được 4 kg. Từ đó thay vì ủ trên kệ, họ cất chòi nhỏ, ủ tiếp 14 cuộn rơm còn lại. Do không nắm chắc kỹ thuật, nấm mọc nhiều thu được 39 kg, song cây nấm xấu xí, đen như cục than, ít người mua.
Toàn bộ nấm thu được hai triệu đồng tiền lời, vợ chồng trẻ dùng một nửa mua sắt hàn thành kệ, số tiền còn lại mua mũ, dựng thành nhà kính trồng nấm. Từ một kệ sắt họ nâng lên hai kệ bằng tiền lời kiếm được. Vừa làm vừa học, cả hai bôn ba khắp các vùng trồng nấm miền Tây trau dồi kinh nghiệm.
Anh Dương nhận thấy quy trình trồng nấm ngoài trời của nông dân còn bấp bênh, vẫn phải “sợ nắng gắt, né mưa dầm”. Từ kinh nghiệm học được, kết hợp kiến thức trên giảng đường, anh mày mò, tìm lời giải một cách khoa học, đúc kết thành quy trình.
Từ một nhà kính trồng nấm, họ nâng lên 4, 14 rồi 24 nhà và phát hiện mỗi nhà có một “tính nết” khác nhau: Nhà ở đầu dãy đón nhiều nắng quá nóng, nhà dưới bóng cây lại dư ẩm, nhà ngay luồng gió thì khô rơm… Để đảm bảo quy trình trồng đồng nhất, từng nhà nấm Dương phải thay đổi thiết kế cho phù hợp.
Rút tỉa từ kinh nghiệm thực tế họ càng nắm chắc quy trình trồng nấm. Mọi việc đều được hai vợ chồng ghi lại chính xác từ công thức ủ rơm, nguyên liệu đầu vào, thời gian, số lượng thu hoạch. Sau mỗi vụ, hai vợ chồng tổng hợp số liệu, tìm các nguyên nhân làm thay đổi năng suất.
“Một lần chuột vào nhà trồng xới tung kệ rơm đã ủ, không ngờ vụ đó năng suất tăng vọt. Chúng tôi phát hiện lũ chuột giúp tơ rơm vỡ ra, thông thoáng nên nấm dễ mọc”, Dương nói và cho biết vụ sau đã học theo động tác của chuột, dùng cây vừa đập vừa xới nhẹ luống rơm và đã thành công.
Sau 5 năm khởi nghiệp trồng nấm, số nhà kính của vợ chồng Dương ngày càng nhiều. Tiền lời khoảng 600 triệu đồng, họ dùng gần hết cho các khâu nghiên cứu, sửa chữa, đầu tư nhà trồng. Tháng 3 năm nay, cả hai xin gia đình mảnh đất 2.000 m2, xây dãy phòng kiên cố để trồng nấm với ưu điểm dễ kiểm soát các thông số môi trường, thời gian sử dụng nhà trồng dài hơn.
Mỗi phòng trồng nấm rộng 15 m2 xây bằng gạch, trát xi măng. Phòng được ngăn cách môi trường bên ngoài, lắp quạt thông gió để đảo hơi nóng ra ngoài, kiểm soát nhiệt độ bên trong ở mức 37 độ C. “Trồng nấm rơm quan trọng nhất là nhiệt độ và ẩm độ phải chính xác. Thực hiện theo quy trình, mỗi mẻ nấm cho ra đúng số lượng và chất lượng đồng đều”, anh chia sẻ.
Mỗi vụ nấm tại trại thường kéo dài khoảng 30 ngày với các công đoạn: ủ rơm, đưa vào phòng, thanh trùng bằng hơi nước, cấy giống, ủ tơ, xả tơ, chăm sóc và thu hoạch. Theo vợ chồng trẻ, khâu khó nhất khi sản xuất nấm là xử lý rơm nguyên liệu đầu vào.
Anh Dương còn theo dõi thói quen thâm canh của chủ ruộng lúa, rơm sạch hoặc còn tồn dư một số hóa chất để xử lý phù hợp, giúp nấm phát triển tốt. Trước khi đưa vào quy trình ủ, anh dùng vôi “thải độc” cho rơm, kết hợp việc thanh trùng bằng hơi nước, rơm đạt yêu cầu sạch để sản xuất.
Theo tính toán, mỗi phòng có thể luân phiên 8-12 vụ mỗi năm, thu 30-35 kg nấm một vụ. Khi hoạt động hết công suất, chủ trang trại thu 1,4 – 1,8 tấn nấm mỗi tháng, doanh thu 70-80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tiền lương công nhân, vợ chồng Dương lãi 35-40 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với cách trồng truyền thống.
“Chúng tôi cần 6 năm để hòa vốn đầu tư nhà trồng và 14 năm sau là tiền lãi”, chủ trại nấm giải thích và đúc kết gần 10 năm khởi nghiệp đầy gian nan, vợ chồng anh chưa bao giờ hối hận. Bởi mỗi chặng đường dù thất bại giúp họ rút ra được bài học để bước tiếp.
Thành công bước đầu, họ dự kiến sẽ chuyển giao quy trình cho những nông dân có nhu cầu, ký kết thu mua để chế biến nấm theo quy mô công nghiệp. Cả hai mong muốn mỗi huyện trong tỉnh có ít nhất một nhà tường trồng nấm. Điều này giúp nông dân thêm thu nhập từ phụ phẩm rơm, không phải đốt bỏ rất lãng phí.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Bí thư huyện Tân Hồng, nhận xét mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Dương phù hợp lợi thế địa phương, tận dụng nguồn phụ phẩm rơm. Mô hình được nhân rộng sẽ giúp người dân có thêm thu nhập từ nghề trồng lúa. Sắp tới huyện hỗ trợ chủ trại xây dựng thương hiệu, đăng ký chứng nhận OCOP địa phương – mỗi xã một sản phẩm.