STO – Hiện trên địa bàn ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có rất nhiều hộ dân gắn bó với nghề trồng nấm rơm, đem lại đời sống ấm no, sung túc, tạo thành “xóm trồng nấm rơm” hàng chục năm qua.
Ông Lê Văn Đây, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước bộc bạch: “Tôi trồng nấm rơm hơn 20 năm qua. Năm 2003, việc trồng nấm rơm của gia đình tôi chủ yếu theo mùa vụ lúa. Do không có rơm quanh năm, lượng rơm cũng ít nên sản lượng nấm sau thu hoạch không nhiều. Kể từ ngày có máy gặt đập liên hợp, nguồn rơm sau thu hoạch lúa dồi dào. Với 6,5ha đất canh tác lúa, lượng rơm thu về là 800 cuộn/vụ (1 năm canh tác 2 vụ lúa, thu về 1.600 cuộn rơm). Ngoài số rơm từ thu hoạch lúa của gia đình có sẵn, tôi mua thêm rơm của thương lái chở đến tận nhà để trồng nấm. Mỗi đợt trồng nấm số lượng rơm cần có là 2.000 cuộn. Với số lượng rơm sử dụng hàng ngàn cuộn/năm, sản lượng nấm rơm thu về hơn 10 tấn/năm, giá bán nấm dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, trừ chi phí bỏ túi hơn 200 triệu đồng/năm”.
Ông Lê Văn Đây, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang tưới nước cho nấm rơm được trồng ngay phía trước khuôn viên nhà. Ảnh: THÚY LIỄU
“Nấm rơm vụ mùa thuận từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, nhưng giá bán không tốt bằng vụ nấm trồng mùa nghịch từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch của năm sau. Thời gian trồng nấm rơm ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hái nấm là 15 ngày và nấm thu hoạch mỗi ngày, kéo dài trong vòng 10 – 15 ngày sẽ kết thúc vụ trồng nấm (25 – 30 ngày). Nấm trồng vụ thuận không cần phải tưới nước; còn trồng vụ nghịch tưới nước 1 ngày/lần. Để nấm đạt năng suất cần phải lựa chọn meo giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cuộn rơm phải đảm bảo an toàn không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật”, ông Lê Văn Đây chia sẻ thêm.
Có nhiều năm trồng nấm rơm, ông Lê Minh Hùng, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) chia sẻ lý do vì sao ông gắn bó với công việc này: “Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch 10ha lúa của gia đình, với 2 vụ lúa/năm, tôi đã trồng nấm rơm gần 20 năm. Thông thường kết thúc vụ lúa Đông – Xuân, Hè – Thu, tôi dùng hết rơm để trồng nấm, mỗi vụ 1.000 cuộn. Qua trồng 2 vụ nấm rơm/năm, tôi lời cả 100 triệu đồng”.
“Nghề trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kép, thứ nhất tạo thu nhập cho bà con nông dân, thứ hai là tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp. Ngoài ra, sau khi thu hoạch nấm xong, rơm mục sẽ được dùng làm phân bón cho các loại cây trồng, hoa kiểng. Bên cạnh đó, việc trồng nấm rơm còn giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh, để bà con nông dân học hỏi phát triển mô hình trồng nấm tại hộ, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình”, đồng chí Võ Văn Bé – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin.
Nguồn: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/thu-nhap-hang-tram-trieu-dong-nho-trong-nam-rom-67698.html